TỰ GIỚI THIỆU
[B]Làm người chân chính[/B]
Mới nghe qua sao mà khó thế? Thời buổi này có thắp đuốc giữa ban ngày cũng không dễ gì kiếm cho ra được người chân chính, thế thì tại sao lại đưa chủ đề này ra để làm gì nhỉ? Rất nhiều người sẽ đặt câu hỏi như vậy. Chân thật! Chính trực! Ôi, nghe sao mà xa xôi quá?! Cuộc sống bon chen chụp giật hằng ngày mấy khi ta bắt gặp được những từ ngữ đẹp đẽ này? Trẻ em bây giờ học đạo đức cũng có coi qua rồi quên bẵng đi mất, vì cha mẹ chúng còn phải giục đi học thêm Anh văn, vi tính, học đàn, học múa v.v… và v.v… Mấy ai đề cập đến những điều xa vời này. Thi thoảng thì mỗi khi trẻ phạm tội nói dối chẳng hạn thì bố mẹ thường la rầy một chút xíu rồi cho qua, nghiêm khắc lắm thì quất nhẹ một roi vào mông cho trẻ nhớ là từ nay không nên và không được nói dối nữa, thế là xong. Rất ít người giảng giải cho trẻ vì sao là cần phải nói thật, và sự chân thật đáng quý như thế nào. Thói quen này hình thành trong tư duy mỗi con người từ lúc trẻ, cho nên họ cho việc nói dối là chuyện thường ngày ở… huyện! Do vậy mà từ ngữ “Chân thật” dần dà mất đi chỗ đứng trong tâm hồn mỗi người.
Ngày ấy tôi mới lên năm,
Có lần tôi nói dối mẹ,
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn,
Ôm tôi hôn lên mái tóc…
- Con ơi, trước khi nhắm mắt,
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật!
- Mẹ ơi, chân thật là gì?
- Con ơi, một người chân thật,
Khi vui muốn cười cứ cười
Khi buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu,
Ghét ai cứ bảo là ghét,
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Từ ấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ, tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật!
Những câu thơ của Phùng Quán viết cách đây hơn năm mươi năm nay đọc lại vẫn còn thấy thấm thía. Sự chân thật đã được người mẹ dạy cho con như thế. Vậy mà ngày nay chúng ta tự mình lãng quên đi điều tốt đẹp ấy trong rất nhiều góc cạnh của cuộc sống, từ xã hội, công sở, trường học rồi đến gia đình, mấy ai còn giữ được tính chân thật đẹp đẽ như vốn nó đã có. Mà nếu không giữ được chân thật thì làm sao trở thành người chính trực được?!
Ngay chính người viết bài này cũng đâm ra xấu hổ, vì có được làm người chân chính đâu?! Nói thì dễ quá, nhưng thực hành là một chuyện khác, giữ cho mình được sự chân chính thật khó biết bao?! Song chẳng lẽ vì lý do đó mà chúng ta lại lãng quên sao? Hãy nhìn lại mình, hãy tự vấn lương tâm mình đi! Làm người chân chính thật khó đấy, nhưng nếu bạn nhận ra được rằng, mình đang cố gắng nhưng chưa sống trọn vẹn ý nghĩa hai từ chân chính cao quý ấy được, thì ít ra bạn cũng là người chân chính rồi, vì bạn đã dũng cảm nhận ra những yếu kém của mình, thế cũng đã là chân chính!