Thượng đế và nghệ thuật
Nhà sản xuất nghĩ: “Túi tiền của khách hàng là trên hết”, nhưng ông lại nói: “Khách hàng là trên hết” cho bớt dài dòng. Rồi những người tiêu dùng đều hiểu theo cái cách nói giản dị đó: mình là thượng đế.
Thượng đế thì có quyền được phục vụ. Thượng đế chỉ có mỗi một việc là kiếm ra tiền. Trả tiền cho nhà sản xuất ra món hàng mình mua, thì ông ta sẽ làm sao để làm vừa lòng mình nhất.
Nếu món hàng bạn muốn mua đó hoàn toàn là vật chất: nồi cơm điện, thuốc nhuộm tóc, mì gói, điện thoại cầm tay, máy đấm lưng… thì tôi xin không bàn. Cứ an tâm làm thượng đế để cho các nhà sản xuất còng lưng phục vụ bạn. Bạn có quyền đòi hỏi họ cung ứng hàng theo ý thích của bạn mà không bao giờ phải tự hỏi mình phải làm gì ( ngoài việc kiếm tiền mua sắm ) để là một thượng đế xứng đáng hơn.
Nhưng nếu món hàng bạn muốn mua là một món ăn tinh thần thì cái tâm lý “mình là thượng đế” có thể là một sai lầm to lớn. Bạn vào tiệm sách, tiệm bán đĩa hát, vào rạp xi nê hay đi xem triển lãm. Bạn lấy ví ra để trả tiền sách hoặc tiền vé. Vì là người trả tiền, bạn trở thành thượng đế. Ai lấy tiền tôi thì phải phục vụ đúng ý tôi.
Một cuốn sách nhiều ẩn ý: mệt óc. Một cuốn phim phức tạp: không có thì giờ xem. Nhạc cổ điển: không vừa tai tôi. Một bức ảnh đen trắng: không có gì kích thích mắt tôi.
Vì sao? Vì đã là thượng đế thì không muốn đóng góp gì cho sự hưởng thụ cả, chỉ muốn nằm dài ra cho người ta phục vụ mình. Các nhà sản xuất ra các tác phẩm thương mại biết rằng phục vụ thượng đế bằng cách kích thích được các giác quan ngài với hiệu quả tức thì thì sẽ thành công, móc được túi của ngài. Thượng đế lười suy nghĩ, đừng thách thức trí thông minh ông ấy làm chi. Thượng đế đã lười còn kiêu căng nữa. Ngài thường xem ý thích của mình là tiêu chuẩn đánh giá nghệ thuật. Và tiêu chuẩn của ngài tầm thường đến nổi: Có ca sĩ lên hát không bằng giọng của mình, gương mặt cũng đã chỉnh đổi vay mượn, làm văn nghệ tương đương với mình không là mình. Thượng đế biết tất cả nhưng vẫn không hề phiền.
Trong khi đó một cuốn sách quan trọng, một bộ phim hay luôn luôn đòi hỏi sự đóng góp của người xem để cái đẹp và giá trị của nó được nhìn, được cảm, được hiểu. Nghệ thuật chân chính phục vụ con người chân chính trong bạn chứ không phải cái ngài thượng đế ấy.
Con người chân chính đòi hỏi ở bạn nhiều hơn. Đôi khi nửa khuya nó đặt dưới gối bạn những câu hỏi: Tại sao trời lại sinh ra mình? Sống để làm gì? Tôi là bướm hay bướm là tôi? Từ đâu con người có được cảm nhận về cái đẹp, về tình yêu? Tại sao lại biết buồn? Hạnh phúc nằm trong chiếc hộp thần nào? Tại sao có cái chết? Thế nào là tội lỗi? Có thiên đường hay chăng?
Những câu hỏi không bao giờ có một câu trả lời trọn vẹn, có khi không có câu trả lời nào dù mong manh nhất. Vậy mà con người vẫn cứ hỏi, từ ngàn năm rồi và lâu hơn nữa. Có lẽ họ hỏi không phải để biết câu trả lời, mà để hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của việc làm người.
Trong những hoàn cảnh và thời gian khác nhau, những người viết sách, vẽ tranh, viết nhạc, làm phim… làm ra tác phẩm của họ với muôn vạn đề tài khác nhau. Nhưng để giòng nước lắng xuống và nhìn xuống đáy của nó, bạn sẽ thấy ở tận cùng thì những câu hỏi họ đưa ra có khác gì với những câu hỏi vẫn nằm sâu trong bạn đâu. Nhưng có thể họ tìm điều bạn vẫn tìm ở một nơi rất khác, nhìn mọi thứ bằng một đôi mắt rất khác. Chính những góc nhìn khác, những nhận thức khác đó chính là lý do tồn tại của nghệ thuật.
Khi mua một cuốn sách, hãy trở thành người đồng hành với tác giả trong một quãng đường. Khi đi xem một phim sâu, trong hai tiếng hãy sống với người trong câu chuyện bằng cảm xúc của họ, sống với nỗi hoài nghi và những khát vọng họ mang. Đừng lúc nào cũng vội hỏi: Rồi sao nữa? Cô ấy có bắt tại trận anh ấy đi với bồ mới không? Câu chuyện sắp tới chỗ ly kỳ chưa? Đó là những câu hỏi tiêu biểu của một thượng đế với nhu cầu được giải trí chứ không phải của một người đi tìm ý nghĩa và cái đẹp trong một tác phẩm.
Một nhạc sĩ dương cầm người Anh kể lại bà gửi vé mời vài người bạn đến dự buổi hòa nhạc của mình. Cuối buổi, họ đến chúc mừng và nói: “Cám ơn bà đã cho chúng tôi một buổi giải trí thật tuyệt”. Bà không vui, vì khi trình diễn, bà không có ý định giải trí ai cả. Bà nhớ lại thời nghệ thuật có một chỗ đứng quan trọng hơn. Lúc đó người ta tìm đến nghệ thuật để hiểu chính mình hơn, để tìm lại lối đi khi buồn bã, hoài nghi và thiếu phương hướng.
Giã từ cái ngai vàng thượng đế cũng có nghĩa là phải suy nghĩ và chiêm nghiệm nhiều hơn, vì từ một người được phục vụ, bạn trở thành một người đi tìm trầm trong những khu rừng với bao nhiêu ngả rẽ. Chỉ có người tìm trầm mới hiểu được cái phần thưởng khi tìm được trầm.
Tôi suốt đời đi học hầu như không nhớ được gì. Hôm qua dở lại một quyển vỡ cũ, nhìn thấy mấy chữ mình ghi lại từ một năm nào của một người thầy cũ:
art => beauty
intelligence => clarity
philosophy => direction
****************************** *******
Tac gia: felidae
Bài viết đã đăng dưới bút danh Lưu Thị Hương trên TTCN ngày 25.04.2004. Bài ở đây lay tu www.yxine.com đầy đủ hơn.